Tìm hiểu về quản trị màu trong in ấn? Tầm quan trọng và ứng dụng thực tiễn?

Trong ngành thiết kế - in ấn, quản trị màu sắc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm in, việc quản lý màu sắc ̣Color Management) phải được thực hiện một cách chính xác và nhất quán. Hoàng Hà sẽ đi sâu vào các khía cạnh của quản trị màu trong in ấn, từ khái niệm cơ bản đến các ứng dụng thực tiễn thông qua bài viết này để giúp khách hàng có thể hiểu hơn về quản trị màu trong in ấn và ứng dụng của nó trong thực tiễn.

Tìm hiểu về quản trị màu trong in ấn? Tầm quan trọng và ứng dụng thực tiễn?

Trong ngành thiết kế - in ấn, quản trị màu sắc đóng vai trò vô cùng quan trọng. Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm in, việc quản lý màu sắc ̣Color Management) phải được thực hiện một cách chính xác và nhất quán. Hoàng Hà sẽ đi sâu vào các khía cạnh của quản trị màu trong in ấn, từ khái niệm cơ bản đến các ứng dụng thực tiễn thông qua bài viết này để giúp khách hàng có thể hiểu hơn về quản trị màu trong in ấn và ứng dụng của nó trong thực tiễn.

 

Khái Niệm Quản Trị Màu

Quản trị màu (Print Color Management - PCM) là quá trình kiểm soát và điều chỉnh màu sắc trong suốt quá trình in ấn để đảm bảo rằng màu sắc trên sản phẩm cuối cùng khớp với màu sắc mong muốn. Điều này bao gồm việc tái tạo chính xác màu sắc (Accuracy), duy trì sự ổn định giữa các lượt in và các máy in khác nhau (Consistency), và dự đoán được kết quả in (Predictability)

 

Các Thành Phần Cơ Bản

Một hệ thống quản lý màu sắc bao gồm ba thành phần cơ bản:

  1. Không gian màu độc lập của thiết bị: Đây là không gian màu không phụ thuộc vào bất kỳ thiết bị nào, giúp đảm bảo màu sắc nhất quán trên các thiết bị khác nhau.
  2. Hồ sơ màu ICC: Hồ sơ này mô tả chính xác các đặc điểm màu của từng thiết bị như máy in, máy quét, màn hình, và máy ảnh kỹ thuật số.
  3. Phần mềm quản lý màu: Các phần mềm như Adobe Photoshop, CorelDRAW, và các phần mềm chuyên dụng khác giúp chuyển đổi và quản lý màu sắc một cách hiệu quả.

 

Ứng Dụng Thực Tiễn

Trong thực tế, việc quản trị màu sắc được áp dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp in ấn như in offset, in kỹ thuật số, và in ống đồng. Ví dụ, trong in offset, việc kiểm soát chất lượng mực in và giấy in là rất quan trọng để đảm bảo màu sắc chính xác. Các công nghệ hiện đại như ICC color management sẽ giúp côn ty in ấn tối ưu hóa quá trình này, giảm thiểu sai sót và tăng cường hiệu quả sản xuất.

 

Các yêu cầu về màu sắc trong in thử ứng dụng trong in Offset

Những điều kỹ thuật viên in ấn mong muốn khi in thử bằng kỹ thuật in offset:

  • Bài mẫu in thử bằng máy in phun thể hiện đúng kết quả in trên máy in offset
  • Bài mẫu in thử được dùng làm bài mẫu để khách duyệt bài
  • Bài mẫu in thử dùng làm tờ OK sheet khi canh bài trên máy in offset
  • Bài mẫu in thử thể hiện đúng màu pha
  • Bài mẫu in thử có thể  giả lập các kết quả in bằng các phương pháp in khác nhau như flexo, ống đồng.

Nhưng thực tế để đạt được yêu cầu trên, nhân viên in đã phải trải qua một quãng đường dài với những vấn đề tiêu biểu như màu của mẫu khác màu của màn hình máy tính, màu của bản in khác màu của mẫu in thử, in lần này khác in lần trước v.v. Biết trước kết quả, kiểm soát tất cả các công đoạn của quá trình in là một nhu cầu thực tế của sản xuất in hiện đại. Tất cả các điều kiện kỹ thuật và công nghệ hiện đại đã cho phép các công ty in thực hiện điều đó nhưng quá trình đưa vào ứng dụng trong thực tế ở Việt Nam diễn ra vẫn còn chậm chạp. Chưa được ứng dụng rộng rãi ở các công ty thiết kế- in ấn.

Quá trình in thử và quản trị màu

Một hệ thống in thử đúng chuẩn ISO 12647-7 (ISO 12642) sẽ bao gồm những thành phần sau :

  • Máy in inkjet khổ lớn : Epson HP, Canon vv
  • RIP có khả năng quản trị màu : Heidelberg ColorProof Pro, EFI ColorProof XF , Esko PackProof v.v.
  • Phần mềm tạo Profile và kiểm tra màu: Heidelberg ColorTool, X-rite Profiler
  • Máy đo màu quang phổ có khả năng quét dải màu: Techkon, X-rite

Mục tiêu rất đơn giản là nếu bản in thử đúng chuẩn ISO và quá trình in cũng đúng chuẩn ISO thì tự động bản in thật offset giống bản in thử với sai số cho phép. Để một bản in thử được coi là đúng chuẩn ISO 12647 -7 hay ISO 12642 thì hệ thống phải trải qua một quá trình kiểm tra và cân chỉnh rất khắt khe.

Bước 1 :

Cân chỉnh máy in thử Epson 7600 để có một không gian màu lớn nhất. RIP Colorproof XF của EFI cung cấp khả năng cân chỉnh tốt nhất với chức năng tạo baseline. Lưu ý là dùng vật tư tiêu chuẩn của Epson như giấy Glossy và mực chính hãng. Dùng các vật tư của nhà sản xuất thứ 3 không bảo đảm về sự ổn định.

Bước 2 :

Một test chart IT8 7/4 với hơn 1617 ô màu được in với các chức năng quản trị màu của RIP ở trạng thái OFF, chỉ sử dụng các đường cong cân chỉnh mới thiết lập.  Kết quả đo bằng máy đo quang phổ được dùng để tạo ra ICC profile mô tả không gian màu của máy in thử. ICC này phải được kết nối với các thông số cân chỉnh calibration trước đó.

Bước 3:

Thiết lập chế độ quản trị màu của RIP với Profile CMYK đích là ISO coated v2 Hoặc Fogra 39. Sau đó bản in này được kiểm tra bằng máy đo màu quang phổ và phần mềm chuyên dụng như Heidelberg Colortool.  Kết quả so sánh với giá trị tiêu chuẩn Fogra 39 phải đảm bảo sai số trung bình deltaE của tất các ô màu <2 , sai số trung bình max không lớn hơn 3. Sai lệch màu tối đa <6 , Xám CMY deltaH nhỏ hơn 2.5. Xem hình 1.

Hình 1: Kết quả kiểm tra test chart IT8 so sánh với fogra 39

Bước 4:

Nếu tất cả nằm trong sai số cho phép thì chúng ta đã có một hệ thống in thử đạt chuẩn ISO 12647-7 , nếu còn có sai biệt thì ICC của máy in thử cần phải hiệu chỉnh. Việc hiệu chỉnh này đước thực hiện với chức năng “ Proof Correction” của Heidelberg Colortool hay EFI Color Profiler Suite. ICC sau khi được hiệu chỉnh sẽ được kết nối với thông số cân chỉnh và in lại test chart IT8 với thiết lập như bước 3. Quá trình này được lặp lại đến khi có kết quả như mong muốn.

Bước 5:

Kiểm tra và cân chỉnh thiết bị định kỳ, dùng vật tư tiêu chuẩn là các điều kiện cần và đủ để một hệ thống in thử đúng chuẩn ISO 12647 vận hành. Thực tế cho thấy người thợ in dễ dàng chấp nhận bài mẫu in thử vì “ Look and Feel “ giống như offset và họ có thể in được. Một cách khác ứng dụng tốt hơn là in tờ in toàn trang cùng các dải màu kiểm tra để sử dụng nó như một tờ in OK sheet trên những máy in có hệ thống đo màu quang phổ. Hình 2 là kết quả đo dải màu kiểm tra của một tờ in toàn trang từ máy in epson .Kết quả 95% so với ISO cho thấy sức mạnh của hệ thống và việc dùng tờ in thử là bài mẫu in cho khách hàng cũng như cho thợ in là khả thi.

Hình 2 là bài in thực tế được in thử đúng chuẩn ISO12647 và sử dụng làm OK sheet cho máy in

Hình 3 :Kết quả đo bằng Intellitrax và phần mềm Colorware cho thấy đạt 95 điểm ISO 12647. Sai số ở đây do Interllitrax đo với chế độ nền đen ( Black backing) trong khi máy đo cầm tay đo ở chế độ Whitebacking.

Việc in thử đúng chuẩn ISO 12647 là một việc khả thi và tất cả chỉ phụ thuộc vào quyết tâm và sự kiên trì áp dụng mà thôi. Gần 20  năm để đi một quãng đường từ ICC cho tới bản in thử đúng chuẩn ISO 12647 -7 là một  khoảng thời gian quá dài. Lỗi ở việc đào tạo và cập nhật kiến thức mới cũng như ý chí vươn ra ngoài biên giới Việt Nam. Chúng ta quá dễ dàng thỏa mãn với việc in ra nhìn cảm thấy đẹp là được, không có ý thức sản xuất công nghiệp với các tiêu chuẩn có thể định lượng một cách khách quan.

Thực tế sản xuất còn đặt ra các yêu cầu rộng lớn hơn như kết quả in không phụ thuộc thiết bị và phương pháp in. Tất cả các máy in offset cho ra cùng một kết quả, cũng như in kỹ thuật số giống in offset. Tất cả đều khả thi dự trên hai nền tảng là tiêu chuẩn hóa và ICC color management.